Góc trẻ em

Vì sao cha mẹ lại nhầm lẫn giữa bé hiếu động và bé tăng động

Bệnh tăng động ngày càng xuất hiện nhiều ở trẻ nhỏ với các biểu hiện khác nhau, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên, ranh giới để phân biệt một đứa trẻ tăng động và một đứa trẻ hiếu động vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Điểm giống nhau là ở cả hai trường hợp, trẻ đều có những biểu hiện nghịch ngợm, chạy nhảy, nói chuyện liên tục, nếu không quan sát kỹ sẽ khó nhận ra đâu là hiếu động đâu là tăng động giảm chú ý. Đôi khi chỉ là dấu hiệu của trẻ hiếu động nhưng lại cho là trẻ mắc chứng tăng động và tìm cách điều trị, còn trẻ bị tăng động thực sự lại không được chú ý vì cha mẹ chỉ nghĩ con hiếu động mà thôi. Do vậy, chúng tôi hy vọng có thể cung cấp thêm thông tin cho người đọc qua bài viết này.

Vậy đâu là điểm khác nhau giữa trẻ tăng động và trẻ hiếu động, cha mẹ hãy cùng chúng tối tìm hiểu ngay sau đây :

Áp dụng theo tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM-IV-TR (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders) của Mỹ, thì:

Giảm chú ý: Trẻ bị giảm chú ý khi có 6 (hoặc nhiều hơn) trong số các triệu chứng sau của giảm chú ý, biểu hiện kéo dài ít nhất 6 tháng, với mức độ làm trẻ thích ứng kém hoặc không phù hợp với mức phát triển tâm thần:

  • Thường không thể chú ý kỹ lưỡng vào các chi tiết, hoặc phạm những lỗi do cẩu thả trong học tập, trong công việc hoặc trong các hoạt động khác.
  • Thường khó khăn duy trì sự chú ý trong nhiệm vụ hoặc trong các hoạt động vui chơi.
  • Thường có biểu hiện dường như không hề lắng nghe những gì người khác nói trực tiếp với trẻ.
  • Thường không thể làm theo toàn bộ những chỉ dẫn hoặc không hoàn thành bài tập, công việc trong gia đình, những nhiệm vụ ở nơi làm việc (không phải vì hành vi chống đối hoặc không hiểu được các chỉ dẫn).
  • Thường khó khăn trong cách tổ chức công việc và các hoạt động.
  • Thường tránh né, không thích hoặc miễn cưỡng thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi phải duy trì những nỗ lực tinh thần (như làm bài tập trường hoặc ở nhà).
  • Thường đánh mất những vật dụng cần thiết (như vở bài tập ở trường, bút chì, sách, đồ chơi và các dụng cụ khác).
  • Thường dễ bị sao nhãng bởi những kích thích bên ngoài.
  • Thường quên các hoạt động hằng ngày.

Tăng hoạt động: Khi trẻ có 6 (hoặc nhiều hơn) trong các triệu chứng của tăng hoạt động – xung động phải xuất hiện ít nhất 6 tháng với mức độ làm trẻ thích ứng kém hoặc không phù hợp với mức độ phát triển tâm thần.

  • Cử động chân tay liên tục, không ngồi yên.
  • Rời khỏi chỗ trong lớp hoặc hoặc trong các tình huống khác mà cần phải ngồi yên một chỗ
  • Thường xuyên chạy quanh hoặc leo trèo quá mức trong các tình huống mà điều đó là không thích hợp (ở thanh thiếu niên, có thể chỉ biểu hiện cảm giác bồn chồn).
  • Thường khó khăn trong khi chơi hoặc gặp khó khăn trong các hoạt động yêu cầu giữ yên lặng.
  • Thường hoạt động liên tục hoặc hoạt động như được “gắn động cơ”.
  • Xung động.
  • Thường buột miệng nói câu trả lời trước khi các câu hỏi được đặt ra hoàn chỉnh.
  • Thường không thể khó khăn chờ đợi theo hàng hoặc chờ đến lượt trong các trò chơi lần lượt hoặc trong các tình huống sinh hoạt nhóm.
  • Thường ngắt lời hoặc xâm phạm vào vấn đề của người khác (Ví dụ: Xen vào cuộc nói chuyện của người khác hoặc các trò chơi của trẻ khác).

Còn đối với trẻ hiếu động thì các hành động nghịch ngợm sẽ không liên tục và thường có chủ tâm, chúng có thể tập trung vào thứ chúng hoàn toàn thích thú cũng như thể hiện sự khó chịu khi bị ai đó can thiệp làm phiền. Trong môi trường lạ, trẻ thường cần tới khả năng tự khống chế mình, nhưng trẻ tăng động lại thiếu mất khả năng đó. Trẻ nghịch ngợm có thể tự điều chỉnh mình khi chúng thấy chưa quen với môi trường, chúng chỉ nghịch khi thấy môi trường phù hợp, trong khi đó trẻ tăng động không phân biệt được khi nào cần kiềm chế, khi nào có thể tự do chơi đùa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *