Tại sao thời gian luôn đi tới (và không quay lại được)?
Tại sao đồ đạc luôn rơi xuống đất?
Tại sao trời mưa?
Tại sao và tại sao?
Có lẽ không ít Phụ huynh từng nhận được những câu hỏi thuộc về kiến thức phổ thông như trên. Có nhiều câu hỏi là “chân lý” rõ mồn một nhưng lũ trẻ vẫn cứ cố chấp hỏi sâu hơn làm người lớn bực mình vì… không giải thích rõ ràng được!!!
Tại sao trẻ lại có nhiều câu hỏi như vậy?
Mọi hành động của trẻ đều có nguyên do nhất định. Với tính tò mò sẵn có của mình, trẻ con có thể dành hàng giờ để quan sát và làm các “thí nghiệm” nho nhỏ mà theo chúng, có thể giải toả phần nào thắc mắc trong lòng.
Ví dụ bọn trẻ có thể ngồi nhìn đồng hồ để xem thời gian trôi qua như thế nào, bình chân như vại trong khi giờ đi ngủ đã đến mà bài học cho ngày mai vẫn chưa bắt đầu làm (và ba mẹ chúng thì đang cuống cuồng đốc thúc).
Chúng cũng không ngại tay ném đồ chơi và bất cứ đồ vật nào trong tầm tay xuống đất để tìm hiểu quá trình rơi và vỡ khác nhau của mỗi loại chất liệu (dĩ nhiên là sẽ bao gồm vài cái đĩa gốm mẹ chúng rất yêu thích hay cái ly thuỷ tinh yêu quý của ba chúng).
Chúng cũng sẵn sàng dùng vòi sen xịt tung tóe trong nhà tắm để tìm xem có thể tự tạo được mưa và cầu vồng hay không.
Vậy ba mẹ nên làm gì trước những tràng câu hỏi dài bất tận của trẻ?
Ba mẹ mới đầu sẽ có thể chưa quen và cảm thấy hơi phiền toái, tuy nhiên, Ba mẹ có thể bắt đầu từ tìm hiểu lý do đằng sau những hành động thường bị gắn mác là “nghịch ngợm”, “tò mò quá” kia, chắc hẳn ba mẹ sẽ vô cùng ngạc nhiên vì sự thông minh và sáng tạo của trẻ. Dĩ nhiên để trẻ chịu bộc bạch lý do, đôi khi ba mẹ cần phải cùng đóng vai thành các nhân vật bạn yêu thích, thể hiện sự tò mò với chính vấn đề trẻ đang quan tâm. Từ đó, trẻ có sự tin tưởng ba mẹ sẽ ủng hộ và không quát mắng thì chúng mới tự tin tâm sự được chứ!!
Vậy là, thay vì nóng giận vì những câu hỏi “vô cùng hiển nhiên hay thậm chí đi ngược lại chân lý” của trẻ, ba mẹ sẽ có được sự thấu hiểu và gần gũi hơn, tạo một môi trường tuyệt vời giúp trẻ phát triển sự tò mò và tư duy. Rất nhiều phát hiện khoa học đã bắt nguồn từ những câu hỏi tưởng chừng ngây ngô, kỳ lạ, đi ngược lại những suy nghĩ và kiến thức của nhân loại đấy!!!
Ba mẹ hãy cùng con tìm hiểu những vấn đề ấy, vừa giúp trẻ cảm thấy được động viên vừa rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ, một tính cách quý giá và là tiền đề cho sự tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo; vừa giúp con học phương pháp tìm hiểu và tự trả lời những thắc mắc của mình.
Như vậy, “nghịch ngợm” hay không chỉ là sự đánh giá chủ quan từ góc nhìn của ba mẹ. Cách hành xử của ba mẹ cũng sẽ rất khác nếu có sự đánh giá đó. Một khi nhìn hành động của trẻ qua lăng kính khám phá và cảm thông, ba mẹ sẽ trở nên từ tốn và rộng lượng với con hơn.
Có một câu chuyện Arkki muốn kể thêm cho ba mẹ: trước khi cất tiếng la mắng con, hãy cân nhắc kết quả một thí nghiệm kỳ diệu sau: “Một chậu cây nếu bị doạ nạt, mắng chửi, chê bai, chỉ trong 1 tháng cây đã bị héo úa. Ngược lại, một chậu cây nhận được lời khen ngợi và sự yêu thương mỗi ngày sẽ luôn xanh tốt.*” Hãy gieo hạt giống tích cực và hạnh phúc cho trẻ để nuôi dưỡng những đứa trẻ thành công, ba mẹ nhé!!! Trẻ con luôn ngoan theo cách của chúng