Tivi là một trong những thiết bị dễ gây nghiện nhất đối với trẻ và ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Làm thế nào để trẻ xem với một thời lượng nhất định, hợp lý và đảm bảo thời gian cho những sinh hoạt lành mạnh khác? Sau đây là một số gợi ý, chúng ta có thể áp dụng để giúp bé yêu có khoảng thời gian xem TV thú vị mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của con.
1. Nói chuyện với con về thời gian con xem TV là vượt quá mức cho phép, và các hoạt động khác đang bị xem nhẹ. Con cần thời gian nói chuyện với ba mẹ, giúp mẹ dọn cơm, đi công viên, đi siêu thị, đọc sách… chứ không phải dành hết thời gian ngồi trước TV. Đồng thời, Ba mẹ cũng nói với con về thời gian quy định được xem TV hợp lý. Ba mẹ cần cứng rắn và không thỏa hiệp.
2. Lập kế hoạch giảm thời gian xem TV: Ba mẹ cần ngồi lại với con và hỏi xem bé thích nhất chương trình nào. Viết ra tất cả chương trình mà bé thích xem, thời lượng của từng chương trình. Nếu tổng thời lượng vượt quá thời gian được phép xem TV mà Ba mẹ đã quy định, thì con phải lựa chọn những chương trình mình muốn xem.
3. Hãy tắt TV khi không cần thiết: Ba mẹ không nên để TV phát chương trình vào những giờ bé không được phép xem. Vì âm thanh phát ra từ TV sẽ thu hút và bé quay trở lại xem tiếp cho dù đó không phải là chương trình bé thích. Nếu được, phụ huynh có thể dùng một số công cụ hỗ trợ để bé chỉ có thể mở TV vào một số thời điểm nhất định trong ngày.
4. “Cai nghiện” cho cả gia đình: Ba mẹ đã chuẩn bị kế hoạch chu đáo để giúp bé bớt nghiện TV, nhưng nếu trong gia đình có nhiều người cùng nghiệm xem TV thì mới thật khó khăn. Trong trường hợp này, để kế hoạch thành công Ba mẹ cần kiên quyết hơn. Chúng ta có thể dẹp luôn TV, và các thành viên trong gia đình trở lại sinh hoạt như thời chưa có TV.
Chú ý: Không chuyển sang Internet, trò chơi điện tử…, thay vào đó hãy chơi các trò chơi tập thể, chơi cờ… để gắn kết tình cảm gia đình.
5. Không đặt TV trong phòng ngủ: Phòng ngủ là nơi yên tĩnh, thư giãn nên việc đặt TV trong phòng ngủ sẽ phá tan sự yên tĩnh cần có của phòng ngủ. Để TV ở khu vực sinh hoạt chung của gia đình. Điều này, có thể phát sinh vấn đề khi các thành viên thích xem những chương trình truyền hình khác nhau. Tuy nhiên, chia sẻ và thỏa hiệp trong trường hợp này cũng là 2 kỹ năng cần thiết Ba mẹ cần dạy cho bé.
6. Không nên để TV/DVD/VCR trong xe hơi: Nhiều phụ huynh nghĩ rằng cho bé xem TV/DVD/VCR trong xe để giữ bé ngồi yên. Trong khi đó, thời gian đi đường là thời gian để bé nói chuyện với Ba mẹ, nghe nhạc, chơi búp bê/ siêu nhân, vẽ, hay chỉ đơn giản là quan sát bên ngoài qua kính xe. Điều đó giúp bé hiểu hơn về cuộc sống xung quanh và có thể trao đổi với Ba mẹ về những điều mà bé nhìn thấy.
7. Cung cấp phương tiện thay thế: Bé yêu học về thế giới xung quanh mỗi ngày. Ba mẹ cần đảm bảo rằng những điều bé học là từ trải nghiệm của bản thân chứ không phải được nghe nói qua TV. Để hỗ trợ cho bé trong việc tìm hiểu và khám phá, Ba mẹ cần cung cấp cho trẻ một số phương tiện thay thế:
– Những bộ kit về khoa học: về sự phun trào của núi lửa, nam châm, mô hình 3D, la bàn…
– Vật dụng thủ công, giấy vẽ, màu…
– Lego, bộ dụng cụ xây dựng, các bộ cờ…
– Một thư viện sách phù hợp với lứa tuổi
8. Khuyến khích các hoạt động ngoài trời, hoạt động thể thao: Cung cấp cho trẻ một số dụng cụ hoạt động ngoài trời như: quả bóng, vợt, cầu lông, dây nhảy, xe đạp… Đưa trẻ đến hồ bơi, sân bóng, công viên, hay thậm chí là sân nhà để tham gia các hoạt động cùng nhau, khuyến khích con tham gia cùng bạn bè. Đồng thời, phụ huynh cũng cần ghi danh cho các bé vào các câu lạc bộ thể thao mà bé quan tâm.
9. Đi chơi cùng nhau: Tham quan viện bảo tang, vườn bách thú, công viên, khu vui chơi, bãi biển – những nơi bé không tiếp xúc với TV. Cả nhà cũng có thể đi du lịch bằng tàu hỏa, để bé có thể trải nghiệm cảnh vật xung quanh. Khuyến khích con khám phá thế giới quanh con như về quê và trải nghiệm cuộc sống của người ở quê, trồng cây, bón phân, tưới nước… Và Ba mẹ giải thích với con rằng những trải nghiệm này con phải tự mình chạm vào và cảm nhận, chứ không một chương trình nào trên TV giúp con được.