Từ nhu cầu muốn khẳng định mình, muốn được trở nên như người lớn bên cạnh đó sự tự ý thức ở trẻ bắt đầu xuất hiện, trẻ lên 3 bắt đầu có những nguyện vọng độc lập. Trẻ muốn tự mình làm trong một số trường hợp: tự thay quần áo, tự xúc ăn, tự chọn mặc quần áo mà trẻ thích, muốn phụ giúp mẹ việc nhà, tự chọn đồ chơi, tự chọn sách mà trẻ thích… Trẻ thường nói “Con làm, con ăn…” mà không muốn có sự can thiệp hay giúp đỡ của người lớn.
Những phản ứng kệ con, tự con… chứng tỏ trẻ muốn tách khỏi người lớn khẳng định cái tôi của mình, mặt khác trẻ muốn có quan hệ sâu rộng hơn với người lớn. Hoạt động của người lớn vẫn là mối quan hệ thích thú đối với chúng. Người lớn như là hình mẫu của các chức năng tâm lý xã hội. Khả năng cảm xúc cũng dần phát triển. Ngoài những cảm xúc vui buồn trẻ có thể cảm thấy tự hào, xấu hổ, đồng cảm,…Nên sẽ có những lúc bạn thấy rất bất ngờ vì những phản ứng kì lạ của bé, không đáng yêu như trước.
Một số biểu hiện như:
- Phản ứng tiêu cực: nó liên quan đến thái độ của trẻ với người khác. Ví dụ, đứa trẻ từ chối tuân thủ một số yêu cầu của người lớn và làm ngược lại. Trẻ cố chấp không làm theo những gì trước đây bố mẹ chỉ dẫn, không thực hiện những quy tắc bố mẹ đưa ra (trước đó trẻ vẫn làm theo).
- sự bướng bỉnh: thể hiện một phản ứng quyết liệt đối với quyết định của chính mình. Ví dụ, đứa trẻ khăng khăng đòi hỏi về quyền quyết định của mình.
- Tự chủ: ví dụ như trước đây, khi trẻ muốn làm một điều gì thì sẽ xin phép bố mẹ trước. Nhưng hiện tại trẻ hay tự làm mà không cần sự chấp thuận của ai cả.
- Trẻ có thể không hứng thú với những thứ trước đây đã từng rất thích. Thậm chí có những hành vi rất ngang ngược. Bạn có thể nhận thấy trẻ “ăn vạ” khác hơn so với trước. Hành vi ăn vạ kéo dài hơn và cường độ dữ dội. Đôi khi bạn đáp ứng nhu cầu của trẻ rồi nhưng vẫn không dừng ăn vạ.
Để cùng con vượt qua giai đoạn này, bố mẹ có thể tham khảo một số gợi ý sau:
- Hạn chế la hét
La hét là một cơ chế phòng thủ mà người lớn thường đem ra sử dụng những lúc trẻ nhỏ không nghe lời. Tuy nhiên, hành động này lại gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý bé nhiều hơn mà bạn có thể nhận ra dẫu cho việc này có thể làm cho con nghe lời bạn ngay lập tức.
Thay vì rầy la con một cách lớn tiếng, bố mẹ hãy cố gắng kiềm chế và tìm ra những hình thức cảnh cáo nhẹ nhàng hơn. Nguyên nhân là bởi trẻ nhỏ cần được nuôi dạy trong một môi trường tích cực để phát triển trí não khỏe mạnh.
- Học cách lắng nghe
Trẻ nhỏ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn khi biết được người lớn đang lắng nghe những gì bé đang cố gắng bày tỏ. Nếu con tỏ vẻ khó chịu vì bạn không mua món đồ chơi mà bé thích trong lúc đi siêu thị, hãy nói với con về một điều gì đó. Bạn có thể nói với bé như: “Mẹ biết con rất muốn chú gấu bông đó, nhưng chủ cửa hàng nói rằng tuần sau sẽ đem về thật nhiều bạn gấu đẹp hơn, chúng ta hãy thử đợi đến lúc đó xem sao nhé”.
Dẫu cho điều này không thể thỏa mãn sự thôi thúc của trẻ về món đồ chơi nhưng cũng sẽ giúp làm giảm cảm giác tức giận và xoa dịu bé phần nào.
- Giải thích
Một em bé đang bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 hiếm khi hiểu được vì sao mình lại phải ngừng làm những hành động mà bản thân cảm thấy vui, chẳng hạn như cắn, đánh hoặc lấy đồ chơi của bạn.
Thay vào đó, bạn hãy là người giải thích cho con về sự đồng cảm: “Nếu con làm các bạn nhỏ khác đau, bạn sẽ khóc và rất buồn”. Biện pháp này sẽ giúp bé hiểu được rằng hành vi của mình ảnh hưởng trực tiếp đến người khác và không hề tốt chút nào.
- Gợi ý chọn lựa
Khi trẻ 3 tuổi không chịu làm hoặc ngừng làm một hành động nào đó, vấn đề thường nằm ở khả năng kiểm soát của chính bố mẹ. Nếu bé đã quen với việc mình chỉ cần khóc một chút là sẽ có tất cả mọi thứ, đã đến lúc bạn cần đưa ra giải pháp cứng rắn cho điều này.
Nếu bé tỏ ý muốn chơi đồ chơi, bố mẹ hãy cho con lựa chọn nhưng với giới hạn từ 2 – 3 món. Kiên quyết nói không dẫu trẻ tỏ ra muốn được đưa thêm.