LÀM THẾ NÀO ĐỂ DẠY TRẺ THÓI QUEN TỰ LẬP TỪ BÉ
Trẻ khi còn nhỏ nếu được ba mẹ nuông chiều sẽ nảy sinh tính ỷ lại, trở nên bướng bỉnh và không nghe lời. Vì vậy, để giáo dục trẻ một cách tốt nhất, các bậc cha mẹ cần tạo lập cho con mình những thói quen tốt, tự lập trong tư duy lẫn học tập và sinh hoạt hàng ngày, cho bé trưởng thành có ý thức hơn.
1. Dạy bé từ khi còn nhỏ
Ngay khi bé chập chững, ba mẹ có thể dạy cho bé làm những việc của người lớn để giúp bé tự giác và ý thức hơn trong việc tự phục vụ nhu cầu bản thân. Ban đầu, bạn có thể chỉ để bé làm những việc đơn giản như tự đánh răng, thức dậy tự xếp chăn gối gọn gàng, dạy bé tự ăn một mình, sắp xếp đồ chơi ngăn nắp. Sau đó sẽ nâng dần độ khó lên theo thời gian. Với mỗi việc làm, bạn nên tách thành những bước nhỏ và thật kiên nhẫn để dạy bé làm đúng cách.
2. Tạo ra môi trường thú vị cho bé rèn luyện
Bé sẽ rất thích thú, nếu bố mẹ biết tạo cho bé một môi trường thú vị để bé rèn luyện. Ba mẹ có thể sắp xếp cho bé một phòng vui chơi riêng, bên trong căn phòng là những đồ chơi với các màu sắc, hình thù khác nhau. Sau đó mẹ đổi chỗ các món đồ, thêm hoặc bớt các món đồ chơi để tạo sự khác lạ cho bé khám phá.
3. Dạy trẻ tự chủ trong tư duy
Khi bé lên một tuổi, bất cứ việc gì bạn làm trước mặt bé cũng khiến bé tò mò, lúc này bạn nên giải thích rõ ràng cho bé hiểu, đồng thời chỉ cho bé biết tại sao lại làm như vậy. Chẳng hạn như bạn có thể chỉ cho con biết cách đi dép thế nào cho đúng vì nhiều trẻ thường mang lẫn lỗn giữa chiếc phải và trái. Hoặc bạn cũng có thể dạy con sau khi đi nhà vệ sinh xong cần phải rửa tay sạch sẽ… Bé sẽ tiếp thu nhanh và có thể tự mình mặc quần áo, mang dép một cách thành thục.
4. Động viên trẻ bằng những lời khen
Ngay cả khi kết quả công việc của con không thực sự xuất sắc, bạn vẫn nên mỉm cười và tỏ ra hài lòng với nỗ lực của bé. Giai đoạn chập chững là thời kỳ quan trọng và cốt lõi nhất để dần hình thành và phát triển nhân cách ở các bé. Vì thế, dù làm việc nhỏ nhất bạn cũng nên thưởng cho bé bằng những lời khen thiện chí, giúp bé có thêm động lực.
5. Kiên quyết với việc làm sai của bé
Không phải lúc nào bé cũng làm đúng. Trong trường hợp đó, bạn nên tỏ thái độ kiên quyết khi bé làm sai điều gì đó. Bạn hãy cho bé biết là mình không hài lòng với hành động đó và yêu cầu bé làm lại cho đúng. Sau khi bé đã làm đúng ý rồi, bạn hãy nhẹ nhàng và dành thời gian nói cho bé biết vì sao như vậy và dành lời khen khi bé đã làm đúng.
Những bài tập rèn luyện tính tự lập cho bé, mỗi người đều có thể nghĩ ra dựa trên tính cách và đặc điểm về tâm sinh lý của con mình. Tuy nhiên, để việc dạy tính tự lập ở bé đòi hỏi bạn phải là người sâu sắc, hiểu rõ con muốn gì, cần gì thay vì đòi hỏi ở bé những điều mà mình kỳ vọng. Những việc làm nhỏ nếu giáo dục đúng cách sẽ giúp bé khi lớn lên có thể thích nghi với môi trường xung quanh một cách dễ dàng, không ỷ lại vào người khác.