Khi trẻ đặt câu hỏi “tại sao” cho bạn chính là cơ hội để bạn kích thích khả năng suy luận cũng như khả năng diễn đạt của trẻ. Thay vì cho con đáp án ngay lập tức, bạn có thể kích thích sự phát triển trí tuệ cho trẻ bằng cách hỏi ngược lại: “Theo con thì tại sao lại thế?”. Sẽ rất hiếm khi trẻ trả lời đúng nhưng điều quan trọng là bé đã cố gắng suy nghĩ. Còn nếu trẻ cứ khăng khăng: “Con không biết.”, bạn có thể gợi ý cho trẻ: “Vậy con cùng suy nghĩ với mẹ nhé.”
Hãy tham khảo các tình huống sau:
Trong một buổi đi chơi tại công viên, bé Nam nhìn thấy những chú ngựa đang uống nước trong chuồng.
Tình huống 1:
– Bé Nam: Mẹ ơi, con ngựa ăn gì?
– Mẹ: Con ngựa ăn cỏ
Tình huống 2:
– Bé Nam: Mẹ ơi, con ngựa ăn gì?
– Mẹ: Theo con bạn ấy ăn gì?
– Bé Nam: Con không biết! Con hỏi mẹ mà!
– Mẹ: Con ngựa ăn cỏ con ạ!
Tình huống 3:
– Bé Nam: Mẹ ơi, con ngựa ăn gì?
– Mẹ: Theo con bạn ấy ăn gì?
– Bé Nam: Con không biết! Con hỏi mẹ mà!
– Mẹ: Con thử nhìn xem, trong chuồng của bạn ấy có những gì?
– Bé Nam: Con thấy có cỏ.
– Mẹ: Vậy theo con tại sao người ta để cỏ vào chuồng bạn ngựa nhỉ?
– Bé Nam: Để cho ngựa ăn đúng không mẹ!
Cùng một câu hỏi của con, cách nào sẽ giúp phát triển tư duy của con hơn? Và cách nào mẹ sẽ cảm thấy vui hơn?
Con trai tôi năm nay hơn 5 tuổi và tôi đã truyền được cảm hứng khám phá thế giới xung quanh của con bằng cách đặt các câu hỏi ngược như vậy!
Các mẹ ạ, đối với trẻ, quá trình đi từ câu hỏi đến câu trả lời quan trọng hơn rất nhiều so với câu trả lời là gì. Não của con người được phát triển tốt nhất khi nhận câu hỏi. Lúc đó, não bắt đầu hoạt động mạnh và các nơron thần kinh được liên kết với nhau. Nếu các mẹ tạo thói quen cho bản thân là đặt câu hỏi ngược mỗi khi con có câu hỏi thì mẹ sẽ hình thành được cho con một thói quen về tư duy rất tốt: luôn suy nghĩ để tìm câu trả lời. Nếu mẹ làm ngược lại, con sẽ có thói quen chờ đợi câu trả lời mà thôi!
Thế nhưng, hỏi ngược không phải là hỏi lòng vòng, dồn con vào thế bí, mà phải hỏi sao để kích thích bé tư duy và cảm thấy thích thú với câu hỏi.
Các bạn thử quy tắc đặt câu hỏi ngược dưới đây xem nhé!
1. Đặt lại câu hỏi con vừa hỏi
2. Nếu con chưa trả lời được, chia nhỏ câu hỏi, đặt những câu hỏi dễ đối với con và từ từ tiếp cận tới câu hỏi lớn
3. Không bao giờ sử dụng từ “con sai rồi!”. Hãy luôn sử dụng những từ khích lệ như “Ý của con rất hay nhưng…”
Ví dụ: Khi con hỏi “Mẹ ơi, tại sao ban ngày mình không nhìn thấy các ngôi sao?”.
Các mẹ hãy thực hiện theo 3 quy tắc trên nhé:
1. Mẹ: Theo con thì tại sao?
2. Mẹ (Chia nhỏ câu hỏi): Thế ban ngày con nhìn thấy gì? Ban đêm con nhìn thấy mặt trời không? Con thấy mặt trời sáng hơn hay các ngôi sao sáng hơn?…
3. Mẹ luôn động viên con bằng cách đưa ra các lời khen mỗi khi con trả lời đúng. Sau những câu hỏi nhỏ đó, mẹ bắt đầu giúp con hiểu: Thực ra các ngôi sao vẫn ở trên bầu trời, chính ánh sáng mặt trời làm cho con không nhìn thấy các ngôi sao vào ban ngày.
Với quy tắc câu hỏi ngược này, bố mẹ áp dụng với con càng sớm càng tốt.