Góc trẻ em

Vì sao nên rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ ?

Rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp con tự biết suy nghĩ, giải quyết các vấn đề nào đó theo cách riêng của mình. Từ đó giúp trẻ chủ động tiếp nhận thông tin, tìm lập luận phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác qua đó có thể xác định lại tính chính xác của thông tin. Việc này giúp trẻ nhỏ làm chủ kiến thức của bản thân.

Từ những nghiên cứu khoa học gần đây, các nhà giáo dục đã khẳng định rằng nên tập trung hơn vào việc dạy trẻ mầm non tư duy phản biện. Kỹ năng tư duy phản biện sẽ giúp cho trẻ có khả năng phân tích và đánh giá thông tin một cách kỹ càng hơn.

Phản biện không phải là cho phép trẻ tranh cãi, cãi lại người lớn, luôn khư khư bảo vệ ý kiến của bản thân mà là trẻ phải đưa ra lập luận phản biện rõ ràng, logic, nhằm làm sáng tỏ vấn đề và khẳng định tính chính xác của thông tin.

Cha mẹ có thể giúp con yêu phát triển tư duy phản biện hiệu quả từ những vấn đề nhỏ diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Điều đầu tiên mà cha mẹ cần dạy con là tư duy và nắm vững khả năng đặt câu hỏi để hiểu rõ vấn đề. Muốn có được điều này, trẻ cần có một nền tảng kiến thức vững chãi từ việc đọc sách, rèn luyện kỹ năng qua trải nghiệm cuộc sống,…

Cha mẹ có thể kích thích tư duy phản biện cho bé bằng cách thường xuyên đặt câu hỏi, không để bé tiếp nhận thông tin một cách thụ động và một chiều.

Tạo nền tảng phản biện cho trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ có khả năng tư duy còn hạn chế, nhưng bé đã biết so sánh giống nhau – khác nhau, ít – nhiều, to – nhỏ,… Bằng sự so sánh, cha mẹ có thể tạo nền tảng phản biện cho con. Hãy thường xuyên đặt câu hỏi để con thể hiện mình thích cái gì, không thích việc gì. Cha mẹ cũng có thể cùng con khám phá những điểm giống và khác nhau giữa các sinh vật, đồ vật, hành động,…

Thường xuyên đặt câu hỏi cho trẻ dạng “Con nghĩ việc gì sẽ xảy ra?”

Tạo cho trẻ thói quen suy nghĩ, phán đoán trước các tình huống khác nhau của một sự việc chính là dạy cho trẻ kỹ năng tư duy phản biện. Bằng cách luôn đặt câu hỏi để con tự tìm câu trả lời và phương pháp giải quyết vấn đề là bạn đã dạy con thói quen suy nghĩ.

Cha mẹ có thể hỏi con những câu hỏi như: “Con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu con qua đường khi đèn màu đỏ?” hay “Khi con giành đồ chơi với bạn quá mạnh, sẽ thế nào nếu bạn té ngã?”,…

Đặt câu hỏi cho trẻ và để trẻ suy nghĩ, phản biện lại cũng thể hiện việc cha mẹ tôn trọng ý kiến của con, muốn lắng nghe suy nghĩ của con.

Giúp trẻ liệt kê những suy nghĩ xoay quanh một vấn đề

Trẻ nhỏ khi đối mặt với một vấn đề hay một lựa chọn vẫn chưa biết cách nhìn nhận nhiều chiều. Muốn hình thành tư duy phản biện cho con, cha mẹ nên giúp con liệt kê những lý do nên và những lý do không nên, so sánh giữa hai lý do và đưa ra quyết định. Ví dụ khi con không muốn ăn cơm, thay vì quát mắng cha mẹ có thể nói với con:

“Con không muốn ăn cơm à? Nếu bây giờ cùng ăn cơm với cha mẹ, con sẽ được ăn đồ ăn rất ngon. Nếu con không ăn bây giờ thì tối con sẽ rất đói. Buỏi tối thức ăn sẽ hết, con chỉ có thể ăn cơm với nước tương hoặc mì gói.”

Cha mẹ nên khuyến khích con suy nghĩ, đưa ra ít nhất hai lý do nên và không nên cho trẻ lựa chọn trước khi ra quyết định vấn đề gì.

Yêu cầu trẻ phản biện và thuyết phục

Khả năng thuyết phục là một trong những yếu tố quan trọng trẻ cần có để xây dựng kỹ năng tư duy phản biện. Với những việc trẻ làm sai, khi những lý do mà bé đưa ra không thuyết phục được người khác, bé sẽ hiểu được mình đang sai chỗ nào.

Trẻ nhỏ đôi khi chưa giỏi thuyết phục. Những lúc đó, cha mẹ đừng phủ nhận, chê bai con mà chỉ cần bảo “Lý do đó chưa thuyết phục được cha/mẹ. Cha/mẹ thì nghĩ thế này…, con thấy sao?”. Bằng cách gợi ý câu hỏi khác, cha mẹ sẽ cùng con đào sâu thêm tư duy, tăng khả năng phân tích vấn đề của trẻ.

Để phản biện ý kiến của trẻ, cha mẹ cũng phải sử dụng những bằng chứng nghiêm túc. Cha mẹ có thể cùng con tìm hiểu các vấn đề thông qua sách vở, internet, youtube,… Cha mẹ cũng phải chấp nhận thua và cổ vũ con nếu thấy ý tưởng của con tốt hơn.

Dạy trẻ cách mổ xẻ vấn đề

Kỹ năng tư duy này được hệ thống thành phương pháp cụ thể, gồm những bước như sau:

– Bước 1: Đặt vấn đề đơn giản, rõ ràng.

– Bước 2: Phân tích kỹ vấn đề.

– Bước 3: Liệt kê tất cả các phương án khả thi.

– Bước 4: Liệt kê các lý do nên và không nên thực hiện.

– Bước 5: Đưa ra quyết định.

– Bước 6: Đánh giá sự thành công của quyết định.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tập cho con vẽ sơ đồ tư duy. Đây là cách đơn giản giúp trẻ khái quát vấn đề, hiểu rõ vấn đề để đưa ra quyết định lựa chọn hợp lý

Khuyến khích trẻ thử và chấp nhận sai

Sau khi thuyết phục được cha mẹ, cha mẹ nên khuyến khích con thực hiện việc mà con suy nghĩ. Có thể, cách làm của bé nghĩ không đúng, cũng không sao, bé vẫn đáng được cổ vũ. Cha mẹ hãy khuyến khích con dám thử và chấp nhận sai, chấp nhận làm lại từ đầu. Dần dần bé sẽ làm chủ được kiến thức, có ý kiến riêng và có tinh thần cầu tiến.

Tập cho trẻ tư duy Logics

Có rất nhiều hoạt động giúp trẻ rèn luyện khả năng tư duy logics, điều cha mẹ cần làm là giúp con phân biệt được các khái niệm về so sánh, sắp xếp các kích cỡ, hình dạng. Những điều này bé có thể hoàn toàn tự rèn luyện thông qua các trò chơi đơn giản phù hợp với độ tuổi của bé, tiêu biểu như :

  •  Ghép hình
  • Lego
  • sắp xếp bức tranh …

Chỉ cần dành ra một  chút thời gian và tạo hoạt động cho bé được thực hành một cách thường xuyên sẽ giúp con sớm co được tư duy nhanh nhẹn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *